Theo giáo lý của đạo Phật thì người xuất gia không được lễ lạy cha mẹ đẻ. Như thế có gọi là bất hiếu với cha mẹ không? Vậy người xuất gia chỉ được lễ lạy những ai?
Con xin quý Thầy khai thị giúp chúng con ạ!
hay
Thầy ơi, câu này "Người xuất gia chỉ để khăn tang khi bổn sư (sư phụ của người xuất gia - PV) hoặc người trong sơn môn viên tịch. Còn cha mẹ mất không được để khăn tang hoặc lễ lạy" có đúng không ạ?
Học trò: Hiền Karo Hà Hội
Thư của Hòa thượng Thái Hòa gởi!
Pháp Bảo con!
Người xuất gia không lễ lạy cha mẹ hay quốc vương, vì đã cảm nhận ân đức và lạy trước khi lãnh thọ giới pháp Sa di. Vì sao sau khi thọ giới pháp rồi thì không lạy? Vì cha mẹ mình là của mình mà không phải là của giới pháp. Người có giới pháp thanh tịnh mà lạy cha mẹ là làm cho cha mẹ bị tổn phước, nên vì thương cha mẹ mà không lạy, chứ không phải bất hiếu mà không lạy. Thường thường mình lạy ai, thì thường làm cho vị ấy bị tổn phước mà phước mình lại tăng. Ấy là điều mà con cần phải chiêm nghiệm. Nhưng nếu con muốn lạy cha mẹ thì cứ lạy, như đức Phật đã từng lạy đống xương khô giữa đường có sao đâu. Lạy với tâm từ bi và làm duyên khởi để giáo hóa chúng sanh, thì cứ lạy. Lạy mà đừng làm cho họ bị tổn đức, thì cứ lạy. Còn nếu lạy mà làm cho đối tượng bị tổn đức là không nên. Người xuất gia đắp y hậu mà lạy người cư sĩ ngay cả lạy cha mẹ mình, là điều không nên, vì càng lạy thì cả hai phía điều tổn phước. Mình tổn phước, vì mình xử dụng pháp không đúng, nên không có hiệu quả và cha mẹ mình tổn phước, vì cha mẹ không đủ giới đức và phước đức để nhận lãnh sự kính lễ của một vị tỷ kheo có giới đức thanh tịnh đầy đủ cả tâm và tướng của người xuất gia. Hiếu không phải chỉ lễ lạy hay mặc áo tang mà có nhiều cách lắm con à!
Nguyễn Du nói: "Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường;
Có khi biến, có khi thường
Có đâu chỉ có một đường chấp kinh".
Hiếu trong đạo phật là giúp cho cha mẹ có tín tâm với Tam Bảo, biết tu tập để thoát ly sanh tử, nhập vào dòng dõi của bậc Thánh, chứ không phải hiếu là dừng lại ở nơi cái lạy hay có con cái để nối dõi tông đường như chủ trương của Nho giáo đâu nhé!
Vài dòng cho con
Thầy
Thư của Thầy Pháp Bảo
Bạn Hiền mến! Theo như những năm tháng tu học ở chùa thì được nghe quý Tôn túc dạy, ‘Hạnh hiếu là Hạnh Phật, Tâm Hiếu là Tâm Phật’. Ngoài cha mẹ hiện tại của mình ra, còn có bốn ân và cha mẹ bảy đời và nghĩa sinh thành, dưỡng dục cao như núi Thái sơn.
Con ạ! Không phải lễ một lễ mới gọi là tôn kính, thắp nén hương mới thành thành tâm, không phải dâng một chén cơm, bồng hoa trái mới là người con có hiếu. Đó chỉ là cách bày tỏ lòng tri ân, báo ân, tôn trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Khi cha mẹ còn tại thế, những người con cần phụng dưỡng, lễ phép, chăm sóc và biết quý trọng tấm thân này, bằng cách ‘không được làm cho cha mẹ buồn phiền, đừng gây sự mang tai tiếng, ảnh hưởng đến tâm hồn của cha mẹ.’
Khi cha mẹ mất đi thì chúng ta cũng nên thờ tự, biết cách tu niệm mà làm những việc phước đức để hồi hướng.
Con theo quan niệm của một người xuất gia. Đã rời xa nhà thế tục, tìm con đường thoát ly phiền não, mang bồ đề tâm cao rộng để hóa độ mọi người thì tức nhiên người tu vẫn còn mang ơn của Đàn na thí chủ (Đàn việt), người thay cha mẹ lo cơm áo, thuốc men, sách đèn. Thật sự khi đã có tâm hiếu với Thầy tổ, lễ kính chư Phật thì đã mang một tâm hạnh;
“Con có cha, có mẹ
Cha mẹ có trong con
Nhìn mẹ cha, con thấy
Có con trong cha mẹ.
Con có Bụt, có Tổ
Bụt, Tổ có trong con
Nhìn Bụt Tổ, con thấy
Có con trong Bụt, Tổ.”
Hàng tháng ở trong các tự viện, thiền viện, tu viện, như chùa chúng tôi có làm lễ Chúc tán, lạy thù ân. Để mỗi ngày người tu có thể tiếp xúc được những ơn của chúng sanh, như Phật, Bồ-tát, Già lam thánh địa, hộ pháp, thầy tổ, ân sư trưởng, thiện hữu tri thức, kể cả người công quả, chấp lao phục dịch chúng tôi đều nhớ ơn; Huống hồ cha mẹ sinh mình ra, nuôi mình lớn, đồng ý cho mình đi xuất gia và sau ngày thọ cụ túc giới (thọ Tỳ khưu, bồ tát giới) Thầy bổn sư còn hướng dẫn các Tăng chúng cần thực tập lạy sám pháp, ở bốn phương để nhớ nghĩ về cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của mình.
Có ba trường hợp sau:
Trường hợp chúng ta lễ vái (chắp tay xá) cha mẹ đang còn sinh tiền thì khác.
Trường hợp chúng ta kính lễ (cúi đầu lạy xuống) khi cha mẹ đã quá cố.
Trường hợp đảnh lễ dưới con mắt Vô tướng, để thực tập hạnh buông bỏ ngã chấp.
Trường hợp lạy có y pháp và không đắp y pháp.
Vì vậy, khi chúng ta nhìn trở lại xã hội mình đang sống, thấy được mọi người đều có quan hệ mật thiết với nhau, ai cũng có thể là cha mẹ, bà con thân thương của ta. Từ đó, chúng ta sanh tâm kính trọng những người xung quanh như cha mẹ. Chẳng những với mọi người mà cả đối với mọi loài chúng sanh trong tứ sanh lục đạo, chúng ta cũng kính trọng được. Điển hình như Ngài Mục Kiền Liên nhìn bà Thanh Đề là ngạ quỷ cũng vẫn thấy là mẹ của Ngài, tức chúng sanh ở trong ba đường ác mà vẫn thấy là mẹ.
Phật còn dạy! Ngài lạy là lạy những bậc tiền bối, vì trong đống xương khô ấy có hài cốt của lục thân quyến thuộc và có thể ngay cả của chính mình trong nhiều đời trước.
Đứng bên đống xương bừa bãi, hình ảnh bà con quyến thuộc bao đời trôi lăn trong sanh tử hiện ra, gợi nguồn cảm xúc vì ân nghĩa tương thân, về đạo lý làm người đối với các đấng sanh thành dưỡng dục.
Vì vậy ân đức của cha mẹ được ví như trời cao, bể cả, núi rộng sông dài. Chúng ta là những người con Phật, cần thể hiện tinh thần hiếu hạnh, báo đáp thâm ân làm sao cho tròn chữ hiếu mới đúng là đạo làm người.
Một việc làm của người xuất gia khi nghĩ về cha mẹ, không chỉ đơn thuần lễ lạy, chu cấp thuốc thang mà còn khuyên cha mẹ bỏ tà quy chánh, tín tâm cúng dường Tam bảo, tinh tấn niệm Phật và chuyển hóa nghiệp xấu ác, khổ đau. Giúp cho cha mẹ gieo thiện duyên với các bậc thiện hữu tri thức và tự biết đường đi, nẻo về bến giác.
Vào dịp tết năm Tân Mão, tôi cùng với Thầy giáo thọ về Từ đường để thăm bệnh duyên của thân sinh Hòa thượng. Vài ngày sau cụ phát bệnh khá nặng nên Hòa thượng phải ở lại chăm sóc và động viên tinh thần. Trời xứ Huế hôm đó rét, mưa lạnh. Nhà chỉ có Hòa thượng là con trai lớn và một thêm một người em trai thì ở xa chưa về nên khi mà thân sinh đi tiểu tiện xong, Hòa thượng cũng làm bổn phận của một người con là đi đổ nước tiểu, lau sàn nhà. Chính vì nghĩa cử ấy mà Hòa thượng đem đạo đến gần được với cha mẹ, làm cha mình sáng đạo và cũng làm cho tôi nhớ tới hình ảnh Đức Phật lúc về thăm lại Phụ vương, khi tuổi già nua của vua Tịnh Phạn sẽ không còn được bao lâu nữa.
Vẻ Đẹp Phật Pháp
0 nhận xét