“Sóng về đâu” của Trịnh Công Sơn *


Hãy cứ vui chơi cuộc đời, đừng cuồng điên mơ trăm năm sau…


HỒNG BỐI



Chiều lặng lẽ bên dốc đồi hoang vu cô tịch, ánh nắng nhẹ nhàng những làn gió mát, huynh đệ chúng tôi đến thăm anh Trịnh trong nỗi niềm nhớ nhung... , buồn cho số phận của một kiếp người, một ngày sao chóng thế và một đời qua nhanh thế!
Một ngày ngày đã qua
Ôi một ngày ngày xót xa…
Phải chăng thời gian là một viên thuốc độc đang từ từ làm băng hoại mọi lý tưởng sống của con người? Anh Trịnh luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết và chính chúng ta cũng luôn bị cái chết ám ảnh từng ngày từng giờ.
Trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương Đức Phật hỏi chúng đệ tử: mạng người được bao lâu?
Thưa: trong khoảng vài ngày.
Đức Phật dạy: thầy chưa hiểu đạo!
Lại hỏi một vị thầy khác: mạng người được bao lâu?
Thưa: trong khoảng một bữa ăn.
Đức Phật dạy: thầy chưa hiểu đạo.
Lại hỏi một vị thầy khác nữa: mạng người được bao lâu?
Thưa: trong khoảng một hơi thở.
Đức Phật dạy: tốt thay thầy đã hiểu đạo rồi vậy!

Anh Trịnh Công Sơn đã nhìn thấy thực tại mong manh sự sống của kiếp người nên anh đã dành trọn cuộc đời mình để viết những tình khúc bất tử nói lên tiếng nói chung cho thân phận con người. Nhìn vào thân hình gầy guộc với vóc dáng đầy nghệ sỹ giọng nói rặc của tiếng Huế, ít ai ngờ rằng anh đã nhiều đêm ngồi yên trầm ngâm suy tư về sự thăng trầm lịch sử của con người và rồi vận dụng cả khối óc cố trút ra những ngôn từ vừa nhẹ nhàng lãng mạn, vừa triết lý nhân sinh mong lột tả được ý mà con người muốn nói.
Hãy cứ vui chơi cuộc đời
Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau.
Sự mơ mộng có khi mang đến sự thất vọng. Lý tưởng, nói rõ hơn là việc chưa có mà tin rằng sẽ có đó là lý tưởng. Chớ lý tưởng mà dựa trên cuồng điên mơ mộng trăm năm thì là viễn tưởng, viễn tưởng thì xa rời với thức tế.
Hãy cứ vui chơi cuộc đời
Hãy cứ vui như mọi ngày.
Chúng ta có quyền nuôi lý tưởng ước mơ của mình nhưng hãy nhớ dạo chơi, thưởng thức cuộc đời vì cuộc đời có biết bao nhiêu là cái đẹp, cái hay mà ta cứ phải hững hờ. Đừng bao giờ lấy sở trường của mình mà dán vào sở đoản của người khác, cái đó là phủ phàng là lên án.
Hãy cứ vui như mọi ngày
Dù chiều nay không ai qua đây
Hỏi thăm tôi một lời
Vẫn yên chờ đêm tới
Lòng ta trăm con hạt gầy vút bay.

Khi chúng ta tìm ra được niềm vui nội tại thì dù có ở bất cứ nơi nào đi chăng nữa ta cũng sẽ có niềm vui. Sự cô độc sẽ không bao giờ là cô đơn dù chiều nay không ai qua thăm, mặc chén trà đã cạn, cung đàn đứt giây thì tâm hồn vẫn vô tư bình thản ngồi yên chờ đêm tới không còn lo xa cho kiếp sống vô thường ngắn ngủi này.
Hãy cứ vui như mọi ngày
Nhìn người đi như mây vô danh
Dù chân xưa dặm nghìn
Vẫn như còn thắp thoáng
Dù trong ta đêm thì thầm tiếng buồn.

Có những người thân thương mà ta trân quý nhất không biết do một duyên nghiệp hay định mệnh mà vô tình bỏ ta đi theo tiếng gọi ….để “nghìn trùng xa cách người đã đi rồi.” một sự ra đi lạnh nhạt vô tình để cho người ở lại phải nhìn ơ thờ, nhìn gượng gựu, nhìn người đi như mây vô danh như chưa bao giờ quen biết. Dẫu rằng trong lòng có mang một chút u buồn vì một... người đi xa.


Vâng, tất cả những gì mà anh Trịnh để lại cho đời là một chút ơn, chút ơn không cần đền đáp, chút ơn mang nặng kiếp người. Giống như đi dạo chơi cõi trần một chuyến rồi buông xuôi lặng lẽ “ không hẹn mà đến không chờ mà đi”.
Anh đi đâu về đâu? “Về cõi chiêm bao lìa những thương đau.”
Anh đã giải thoát tâm hồn mình ra khỏi thân xác nhọc nhằn này để đi về một cõi mang đậm dấu ấn Trịnh Công Sơn.

Như bài “Sóng về đâu” anh cho nó là tuyệt khúc hay nhất của đời mình, là một sự liễu ngộ lớn về lẽ sống. Lấy cảm hứng xuất phát từ “Bát nhã tâm kinh” một kinh được xem là cốt tủy của Phật giáo được vắn tắt ngắn gọn “gate gate paragate parasamgate bodhi svaha.”( Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha). Anh Trịnh tạm dich là” vượt qua, vượt qua, tất cả chúng ta đều vượt qua, và đến bờ giác ngộ”.
Đối với tôi, tôi không biết anh đã giác ngộ chưa? Nhưng những gì mà anh đã biểu hiện đủ tin rằng: Anh về một cõi bình an còn lời ca ở lại trần gian đón mừng.

Trời xế chiều ánh nắng nhạt dần, sự hội ngội nào cũng có lúc chia ly. Tiếng đàn khảy lên… “anh nằm xuống sau một lần đã đến đây…” nhẹ nhàng thầm lặng, thầm lặng theo làn khói lan vào thinh không, không hẹn mà đến không chờ mà đi...
Huynh đệ ra về trong màn sương phủ kín… tịch liêu, tịch liêu...

Thủ Đức một sáng nhớ, ngày mạ cho anh mang nặng kiếp người. 28- 2









* Tựa do BBT phỏng.
Theo: trathomonline

CẦN CÓ NHAU

Thời thượng cổ, con người sống dưới sự đe dọa của thiên tai bão tố, thú dữ rừng hoang, nên cảm thấy trong mình luôn mang nỗi khiếp sợ, cô đơn bất an lạ lùng trước những hiện tượng siêu nhiên của vũ trụ. Thay vì sống rải rác khắp đó đây, con người đã biết đoàn kết hợp lại thành những nhóm người để biết bảo vệ và tranh đấu trước sức mạnh của những hiện tượng xung quanh. Từ đó, tư duy dần thay đổi, từ hình thức sinh hoạt hái lượm, săn bắn con người đã biết chăn nuôi trồng trọt và giao lưu thương mại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều ngôi nhà được cất lên, chợ búa phát triền, cuộc sống được cải thiện về mọi mặt.

Từng là một nhóm bộ lạc lẻ tẻ, con người đã biết lập thành một quần chúng xã hội ở một địa bàn an toàn trên mảnh đất tươi tốt tạo thành một vòng đai ở phạm vi nhất định để sống an hòa với thiên nhiên, thảnh thơi tâm tình, ổn hợp với hoàn cảnh hiền dịu. Tâm hồn ấy biểu hiện ra thành một phong thái nhàn nhã chung .

Ấy thế, không biết độ bao giờ những tập tục văn hóa, trò chơi dân gian, lễ nghi, tôn giáo, luật lệ.. hình thành, làm cho trí óc con người mở mang thêm, ý thức được các giá trị văn hóa cội nguồn tương giao cuộc sống giữa tình nghĩa gia đình, đồng bào, làng xóm, láng giềng… càng gắn bó đoàn kết sâu đậm để vui sống cho lãng quên sự cô độc của kiếp người.

Bây giờ, nếu có ai hỏi tạo sao lại có xã hội loài người, tất nhiên câu trả lời là từ trước đến nay con người chưa bao giờ muốn sống riêng lẻ, cô độc, mà chỉ muốn sống chung để hiểu thương và bảo vệ nhau.

Nhiều lúc con người cứ chạy vòng vo để tìm cho ra người hiểu mình, thương mình để cùng kết giao tri kỷ. Con ngời quả thật rắc rối làm chi vậy! Liệu người ta tìm có thật lòng hiểu mình như mình từng nghĩ không? Hay mỗi người khi gần nhau lại cảm thấy như cách xa muôn ngàn vạn dặm, “Gần mặt xa lòng, tri nhân tri diện bất tri tâm”. Chính tâm hồn, thân xác mình mà mình chưa hiểu được thì làm sao mong người khác hiểu ta.
Các nhà khoa học, triết học sáng chế ra đủ mọi sản phẩm tiên tiến hiện đại, ngồi một chỗ nhấn nút bàn phím là họ có thể thấy biết các chuyện trên trời dưới đất, xa hơn nữa là dạo chơi cung trăng sao kim sao hỏa, rồi dự đoán cái này cái nọ. Có thể nói họ đã làm được nhiều điều mà vượt ra ngoài sức tưởng tượng cửa con người, nhưng chính những người thân thích sống chung đụng trong gia đình mà họ vẫn chưa hiểu thấu nỗi niềm sâu kín thì làm sao có thể hiểu chính con người thật của mọi người ở xung quanh. Vật chất chỉ là sự sáng tạo của tư duy chứ không phải là cái cứu cánh vĩnh viễn cho văn minh nhân loài. Do đó, gần đây người ta khuyên con người nên trở lại chính nỗi lòng của mình thì tốt hơn truy tìm hiểu sự vận hành ngoài vũ trụ.
Đừng mong ai cho mình nụ cười, đừng mong ai cho mình hạnh phúc, hãy sống vui phút giây hiện tại, ta quay về an trú trong ta”. Giây phút quay về tìm nụ cười thật của con người sẽ phá tan đi bao sầu muộn, lo âu tính toán. Nụ cười hé nở trên môi làm tươi trẻ tâm hồn như khi đang ngắm nhìn nụ cười hiền dịu của đức Phật hay nụ cười quý phái của nàng Mona Lisa.
Ngày nay, xã hội loài người tổ chức rất tinh vi, nên đã làm cho nhiều người buồn chán bất mãn. Thi nhân, hiền triết, du tăng không còn hứng khởi để sáng tác mộng hoàng hôn nữa, mà đành thu hẹp tâm hồn mình vào một cõi trời quên lãng cao rộng để đêm khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.
Con người sống trong xã hội bây giờ chỉ biết lo cho bản thân ,tiểu gia đình ngoài ra ít biết đến ai. Nếu ai đã từng có dịp sống ở Sài Gòn hay một thành phố nào khác cũng sẽ cảm nhận được nỗi bơ vơ của mình và sự lạnh nhạt của mọi người. Có chiều buồn, như con chuồn chuồn chạy xe dạo phố trên những con đường phồn hoa đô thị người người đông đúc ồ ạt qua lại, mà ta không biết mình đang đi đâu về đâu và làm gì. Đi giữa hàng triệu người tấp nập như vậy mà tưởng như mình đang bị lạc vào rừng sâu không một bóng người.
Làm người là để thực hiện lý tưởng sống, và sống là để thực hiện lý tưởng làm người, như ăn để mà sống, không phải sống để mà ăn. Đứng giữa thực tại đau thương bỡ ngỡ phủ phàng, con người đã không còn là con người thật của năm xưa nữa, mà con người bây giờ đã là con người của máy móc của ích kỷ tham lam hẹp hòi cá nhân. “Người vinh quang mơ ước địa đàng, người gian nan mơ ước bình thường, làm sao đến gần hy vọng cuộc vui chung”*. Chính con người tự thờ ơ xa lánh con người, kẻ giàu xa kẻ nghèo, kẻ có học khinh kẻ vô học..., hình như thế giới con người càng ngày càng thu hẹp lại ở phạm vi gia đình thì phải. Có một nhạc sĩ tài ba đã linh cảm trước điều đó nên anh ước : “Đường tương lai xin nhắc từ đầu, cùng anh em trên khắp địa cầu, hãy gần nhau”* .Vâng, nhạc sĩ chỉ ước vậy đấy! Khó mà nói lên được tâm trạng từ con người. Con người muốn sống bên nhau, nhưng hay so đo hơn thiệt, muốn người ta giúp mình nhiều hơn là mình giúp người, muốn điều lợi cho mình nhiều hơn điều lợi cho người, tạo ra một bản ngã to đùng đi vào cuộc đời. Lấy cớ tổ chức này, tổ chức nọ, quyên góp việc này giúp đỡ chuyện kia hay bày ra các loại giấy tờ đủ loại rắc rối …, cũng chỉ là che đi cái tâm giả dối phỉnh phờ lường gạt nhau mà sống “Sông sâu cònthể dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người”. Hãy ngẫm lại cuộc sống xem, con người không bao giờ muốn cho không mà không nhận lại được gì. Viết một lá thư cho bạn, ngồi chờ mòn mõi dài cổ không thấy trả lời ta cảm thấy bị thiệt thòi và không dại gì mà lại viết thư nữa, hoặc chơi thân người bạn lại bị người bạn lợi dụng xỏ lá thì chẳng ngu chi mà qua lại. Sống thì đừng ai lợi dụng ai,quân tử không bao giờ dùng trò tiểu nhân hại người.


Đời đôi lúc là thế, nếu con người hiện tại ai cũng biết mở lòng ra, bỏ đi bản ngã tư hữu trong người để đến với nhau cùng xây đắp nhịp cầu truyền thông bằng sợi dây hiểu thương để hàn gắn lại những gì đã mất thì còn gì bằng. Thời gian qua mau, mạng sống giảm dần, chúng ta hãy xem đã bao nhiêu lần thân xác vô giá này bị dở khóc dở cười, trầy vai tróc vảy để bước lên được bục vinh quang. Tài sản, địa vị, con cái, quyền hành … tất cả ở với ta vài chục năm rồi phải chia lìa, tay trắng tay lại về không. Đúng là “Của trời trời lại lấy đi, giương hai con mắt làm chi được trời”. Có một câu tiêu ngữ “Cái gì làm cho con người trở thành con người! Không phải cái mặt mà là cái lòng người ta ăn ở thật với nhau”.

Ta thấy, dù trãi qua bao nhiêu sóng gió khổ đau, vui buồn hay xa lìa đến một chân trời nào đó không một bóng người, thì con người vẫn ước muốn ngày sau dẫu có thành sỏi đá cũng cần có nhau*. (Ai đã từng đọc qua truyện Trầu cau, An Tiêm … thì sẽ hiểu được tâm tình của con người), ba chữ “CẦN CÓ NHAU” như một câu linh chú mà nghe qua thấy rợn da gà, như tiếng sét lôi kéo thức tỉnh sự trở về cho những ai vì ham quyền quý bỏ tình, bỏ nghĩa, bỏ anh em. Đời vốn là mộng, ai nở nào dùng tâm giả mà sống với mộng, há chẳng phải là đang làm trò cười cho thiên hạ hả!


Với những điều trên ta thấy quả thật trong mỗi con người là một căn nguyên kho tàng tư tưởng luân lý nhân loài, nên mỗi cá nhân sinh ra điều muốn đi tìm cho mình một hướng đi sáng đẹp nhằm giải phóng những thắc mắc tư tưởng mà bấy lâu từ vô lượng kiếp xa xăm tận tiềm thức vẫn còn bế tắc ứ động, dù đã bao lần lột xác thể chất hình hài. Nhìn vào khoảng không gian bao la chiếu rọi tận tâm hồn, con người chợt nhận ra rằng lối sống “chân thật” là điểm khởi đầu cho nền văn minh nhân loài, là tủy sống đưa xã hội loài người xích gần nhau để trao cho nhau nụ cười tình yêu thương đồng loại, khi nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ.

HỒNG BỐI



- Hương Trà Cốc
, một đêm uống trà nhiều không ngủ được.

Bạn Đã Xem Chưa

0 nhận xét

Đăng Nhận Xét

Copyright © NhocLak.Com .