Vẻ Đẹp của Đức Phật




Vẻ Đẹp của Đức Phật
Thích Phước Đạt
Không phải ngẫu nhiên ai sinh ra ở đời đều có một vẻ đẹp hoàn mỹ từ ngoại hình bên ngoài cho đến nội tâm bên trong. Có một điều chắc chắn, dẫu bạn là ai, đang làm gì sống ở đâu đều có một ước muốn mong sao mình cũng có được một vẻ đẹp phần nào như thế.

Ấy thế cách đây trên 2.500 năm có một con người có một vẻ đẹp trên cả toàn bích, người đó chính là Đức Phật. Theo Phật học khái luận, khi nói về đức tướng của Thế Tôn, Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã kính đề: “Kinh điển truyền thống của hầu hết các bộ phái Phật giáo đều ghi Đức Thế Tôn có đủ ba hai tướng quý của một bậc Đại nhân và tám mươi vẻ đẹp phụ. Đây là báo thân của Thế Tôn do công phu tu tập nhiều kiếp trước”.

Một vài kinh điển khác còn ghi lại rằng thời Phật còn tại thế có vua Pasennadi xứ Kosala do tâm quá cung kính và quá ngưỡng mộ Thế Tôn. Để xoa dịu bớt nỗi thương nhớ Đức Phật khi Ngài đi thuyết pháp phương xa, nhà vua đã cầu xin Phật cho phép vẽ chân dung Ngài. Phật hoan hỷ đồng ý. Nhà vua đã triệu tập 12 vị danh họa trong nước được bố trí lầu một để quan sát và vẽ lại chân dung Thế Tôn trong khi Ngài đang cùng nhà vua thọ trai. Sau đó nhà vua được các danh họa trả lời gần như giống nhau: “Chân dung Đức Phật đẹp lạ lùng, khiến họ sững sờ chỉ ngắm nhìn mà không vẽ được một nét nào cả...”. Đức Phật lấy làm thương tình, cho in bóng mình trên nền nhà và cho phép các họa sĩ đồ họa lại. Đây chính là bức tranh chân dung đầu tiên của Đức Phật Thích Ca mà về sau vua Pasennadi cho thợ dùng gỗ trầm hương mô phỏng tạc tượng.

Tương truyền khi Phật và ngài Xá Lợi Phất lên cung trời Đâu Suất thăm mẹ Phật và giảng pháp A-tỳ-đàm, sau đó trở về thì bức tượng tự động đi ra đón Đức Phật và ngài Xá Lợi Phất như là một con người thật.

Câu chuyện tưởng chừng huyền thoại lịch sử, nhưng cho đến ngày nay nó đã khắc sâu vào tâm thức nhân loại: Đức Phật là sự hiện thân của một con người trác tuyệt, đẹp từ hảo tướng trang nghiêm cho đến nhân cách siêu phàm trần thế:

“Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly
Phật diện do dư mãn nguỵêt huy
Phật tại thế gian thường cứu khổ
Phật tâm vô xứ bất từ bi”

Rõ ràng, Đức Phật trước hết là con người bình thường, do nghiệp quả túc duyên Ngài được sanh trong hoàng cung, làm bậc đế vương thừa kế vua Tịnh Phạn cai trị đất nước. Nhưng trên hết nhờ công phu tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, Ngài trở thành Đấng Giác ngộ giữa trần thế, có một vẻ đẹp toàn bích có một không hai trong lịch sử loài người. Và điều quan trọng hơn nữa là sau 45 năm thuyết pháp độ sanh trên khắp mọi nẻo đường các đất nước, vẻ đẹp của Ngài được tôn vinh thành thẩm mỹ “Cái đẹp” của toàn nhân loại.

Xem ra, tất cả chúng sanh hiện hữu giữa cõi đời, nếu tùy theo sự dụng tâm tu tập chắc rằng mỗi chúng ta đều có vẻ đẹp tối thiểu dự phần như Ngài hay tối đa giống hệt như Ngài.

Cho nên, cốt lõi của vấn đề thiết lập thẩm mỹ cái đẹp cho tự thân của mỗi người là thực thi nếp sống đạo đức, xây dựng một đời sống hướng thượng. Hơn ai hết, mỗi người Phật tử chúng ta đều có hạt nhân cái đẹp - chủng tử Phật tánh có sẵn trong mỗi người. Vấn đề cần suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân là làm cho hạt giống “Cái đẹp” được đâm chồi nẩy lộc, đâm hoa kết trái trong cuộc sống đời thường. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi bạn còn trẻ soi gương, tự cảm thấy mình xinh đẹp thì các bạn, chớ vội sanh tâm kiêu hãnh mà hủy hoại vẻ đẹp ấy bằng những hành vi đồi bại của mình. Còn những ai soi gương cảm nhận thấy mình không xinh đẹp thì không sanh tâm buồn khổ, hãy tìm cách bổ khuyết cái thiếu sót tự nhiên đó bằng sự chăm chỉ thực hành các hạnh lành. Nói chung bạn chỉ thật sự được mọi người nhìn nhận “đẹp” hơn khi hàng ngày bạn biết có một trái tim biết yêu thương và một khối óc đầy hiểu biết với tâm nguyện hành trì:

“Không làm các điều ác
Thành tựu các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy”
(Kinh Pháp Cú)

Trường hợp Xá Lợi Phất được Tôn giả Mục Kiền Liên và mọi người nhìn nhận về một vẻ đẹp “lạ thường” của sự thanh tịnh, trong sáng, hoàn mỹ không thể nào chê về một khiếm khuyết gì được cả là một minh chứng cụ thể. Theo kinh Phật Bổn Duyên ghi lại rằng Tôn giả Xá Lợi Phất sau khi chứng đắc quả vị, trên đường đi hoằng pháp độ sanh đã gặp Tôn giả Mục Kiền Liên. Thấy dung mạo Tôn giả Xá Lợi Phất toát ra một vẻ đẹp khác thường, Tôn giả Mục Kiền Liên liền khởi tâm cung kính ngưỡng mộ thưa hỏi:

- “Này Tôn giả Xá Lợi Phất! Người bạn của tôi! Dung mạo của ông thanh tịnh, thần thái ông trang nghiêm yên ổn, khiến mọi người tôn kính.

- Này Tôn giả Xá Lợi Phất! Phải chăng Tôn giả đã uống được nước cam lồ bất tử, đã tìm được con đường lớn dẫn tới sự bất tử? Dung mạo Tôn giả giống như là bậc đắc đạo, nó trong sáng như hoa sen nở, thần thái của Tôn giả an tường và trang trọng. Tôn giả tìm được ở đâu đạo bất tử, đã khiến thần thái Tôn giả trong sáng như thế này?

Ngài Xá Lợi Phất trả lời:

- “Này Tôn giả Mục Kiền Liên! Đúng vậy, tôi đã có được nước cam lồ bất tử, đã tìm ra được con đường dẫn tới bất tử”.

Tại đây, mỗi bước đi của sự hành trì về giới, về định, về tuệ trong đời sống bình nhật là mỗi bước đi để tự thân chăm sóc và hoàn thiện về vẻ đẹp đích thực của mình từ nội tâm bên trong cho các hình thức biểu lộ bên ngoài. Và như thế chừng nào con người còn khát vọng về hạnh phúc chừng đó con người còn khát vọng “làm đẹp” cho chính mình và cho nhân loại.

Trong ý nghĩa đó, nhà tư tưởng, lý luận, mỹ học hiện đại Dostoievski đã phát biểu rằng: “Cái đẹp cứu vớt thế giới”. Nhìn lại, trong lịch sử tư tưởng con người, trong cuộc hành trình nhân loại, con người luôn hướng đến “Cái đẹp”. Thực tế, ai cũng muốn trở thành mình là người có “vẻ đẹp” thực sự trong mắt mọi người. Ngược lại, mọi người sống với nhau trong một cộng đồng bao giờ cũng đi tìm và phát hiện ra “Cái đẹp” của con người để tôn vinh và chiêm ngưỡng học tập, hành trì như là biểu tượng về thẩm mỹ “Cái đẹp” hết sức trân quý. Thế Tôn, các bậc Thánh, các cao tăng đại đức đầy đủ phạm hạnh là những mẫu người làm cho cái đẹp hiển lộ ra bên ngoài, thể nhập vào thực tại đời thường.

Trong thời đại văn minh ngày nay, mọi sự thành tựu do khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin đem lại cũng không ngoài mục đích góp phần xây dựng đời sống hạnh phúc và an lạc cho con người. Suy cho cùng mọi giá trị thành tựu đó nhằm mục đích tôn vinh “Cái đẹp” chân - thiện - mỹ mà nhân loại đang khát khao trông chờ.

Điều đáng nói, càng ngày con người càng hướng tới xây dựng một đời sống bình an và tịnh hóa tâm hồn để làm hóa hiện và hiển bày tất cả cái đẹp hiện hữu xung quanh chúng ta. Việc đề cao việc tự thân tu tập thân khẩu ý trong mỗi người là cần thiết. Điều đó cũng có nghĩa trong mỗi ngày, mỗi lúc, mỗi nơi mà bạn không nhiệt tâm tinh cần đi tìm cái đẹp thực sự cho chính mình, thì ngày đó bất hạnh dường như đang chờ bạn. Tại đây, bạn là người trở nên đẹp nhất đối với những người thân quen, cũng như những người xung quanh bạn khi và chỉ khi bạn có một tâm hồn trong sáng, chuyển hóa nội tâm, gieo các hột giống tốt lành cho chính mình và mọi người.

Kỷ niệm ngày Phật đản năm nay là kỷ niệm mùa Phật đản trong lòng mỗi người. Từ trong tận chiều sâu cõi lòng, vẻ đẹp của Đức Phật hẳn nhiên hóa hiện. Trời vẫn xanh, hoa vẫn nở, tiếng kinh cầu kính mừng Phật đản lại vang lên như nguồn năng lượng thắp sáng tôn vinh Cái đẹp của con người và cuộc sống con người ngay giữa trần thế.

Bạn Đã Xem Chưa

0 nhận xét

Đăng Nhận Xét

Copyright © NhocLak.Com .