Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười





Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười

thơ Trần Trung Đạo
nhạc Võ Tá Hân
trình bày Thế Sơn

Mẹ, một đề tài thường đem lại sự thành công, trong nhiều bộ môn sáng tác nghệ thuật. Riêng trong lãnh vực thi ca, không kể những cây bút thành danh, những người có duyên với thơ, phần nhiều cũng đã viết được những bài về mẹ từ xuất sắc đến đọc được. Phải công nhận một số thơ thuộc chủ đề này, đôi khi có sự lặp lại ngôn từ, hình ảnh hoặc cả cách diễn đạt. Tuy vậy, người đọc cũng ít khi gặp sự nhàm chán như ở một số đề tài khác. Điều này có lẽ nhờ tình thương yêu sẵn có trong lòng người đọc. Đọc thơ viết về mẹ có lúc như là kiểm chứng lòng mình, có lúc như là ôn lại, sống với những kỷ niệm, những hình ảnh, khó phai nhòa trong tâm tưởng. Tôi đã từng bâng khuâng với Nắng Mới của Lưu Trọng Lư, đã từng thao thức với Lòng Mẹ của Nguyễn Bính, đã từng trôi nổi với Lời Ru Của Mẹ của Xuân Quỳnh. Và cũng đã từng ứa nước mắt với Mất Mẹ của Xuân Tâm.

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
(Lời Chim Non – Xuân Tâm)

Bạn thấy rất thân quen với bài ngũ ngôn đơn giản, tuyệt vời trên? Vâng đúng vậy, bài thơ không xa lạ với số đông chúng ta. Xin cảm ơn thầyNhất Hạnh và đoản văn Bông Hồng Cài Áo thầy viết vào năm 1962.

Trong đoản văn này, có lẽ vì quá xúc động khi đọc thơ, khi thả lòng theo bút, thầy Nhất Hạnh đã quên ghi xuất xứ, tên tác giả bài thơ. Nhưng nhờ vào đoản văn của thầy, bài thơ của Xuân Tâm được phổ biến rộng rãi hơn. Rất hy vọng, trong tương lai, nếu Bông Hồng Cài Áo còn tái bản, xin những người có lòng, kính tưởng người mẹ già của nhà thơ Xuân Tâm, không hà tiện một đôi dòng ghi chú cho thêm phần lịch sự, tri thức.

Thơ Mất Mẹ của Xuân Tâm, một tác giả đất Quảng Nam, đã là chuyện trong quá khứ. Gần đây, tại hải ngoại cũng có một tác giả khác của xứ Quảng Nam lại viết được một bài về Mẹ rất thành công. Bài thơ tạo được ấn tượng tốt ngay ở cái tên bài: Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười.

Trần Trung Đạo, tác giả của một khao khát, ước muốn thần kỳ. Anh là nhà thơ, nhà văn, là tác giả nhiều bài nhận định về chính trị và văn học rất già tay. Bút danh của anh không những nổi bật tại hải ngoại, trong nước giới trẻ, giới chính trị trí thức cùng tìm đọc với xao xuyến đồng cảm, hoặc hằn học tức tối, cụ thể như ông Trần Chung Ngọc.

Theo đường mòn, trước khi lang thang vào tác phẩm, tôi xin mở hồ sơ lý lịch của người viết Trần Trung Đạo:

Sinh tại Duy Xuyên Quảng Nam vào năm 1955, Trần Trung Đạo tên thật là Trần Văn Nhơn. Những tư liệu này được hai nhà thơ Lưu Nguyễn và Phan Xuân Sinh cho giống nhau, gần cùng một lúc. Chưa thấy ghi trong Tác Giả Việt Nam của Lê Bảo Hoàng hoặc nhiều trang điện toán có thông tin, đăng tác phẩm của tác giả như: thewriterspost.net, vnthuquan.net, xuquang.com, nguoivietboston.com, trantrungdao.com.

Trần Trung Đạo có vóc dáng rất Việt Nam, rất thư sinh nho nhã. Anh đã từng có mặt tại trung học Trần Quý Cáp Hội An, đại học Vạn Hạnh, đại học Luật Khoa Sài Gòn. Rồi tốt nghiệp kỹ sư điện toán tại Wentworth Institute of Technology. Trần Trung Đạo đến Hoa Kỳ bằng phương tiện phổ thông: vượt biên đường biển vào năm 1981. Sau thời gian ở đảo Palawan, anh hiện sống cùng gia đình tại Boston Massachusettes. Nghề tay phải hiện nay: điều hành hệ thống dữ kiện cho một hãng đầu tư tài chánh ngay tại nơi định cư. Trần Trung Đạo bắt đầu sinh hoạt văn học từ cuối thập niên 80. Ngoài bài vở đóng góp trên các báo đất, báo mạng, anh đã có các tác phẩm bày bán:

- Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười (thơ, in 1993 tái bản 1996)
- Thao Thức (thơ, 1997)
- Thơ Trần Trung Đạo (thơ, 2003)
- Giấc Mơ Việt Nam (văn, 2003)
- Tâm Bút (văn, 2005, được chính trang web TTĐ giới thiệu: Gồm 23 bài tâm bút và tiểu luận liên quan đến các vấn đề của đất nước mà mỗi chúng ta hằng ưu tư, trong đó có Suy Nghĩ Tháng Tư, Ba Mươi Năm Nhìn Lại Chiến Tranh, Sự Im Lặng Của Biển, Tuổi Trẻ Và Lý Tưởng Phụng Sự Xã Hội, Con Có Một Tổ Quốc, Số Phận Một Loài Chim, Nhìn Tấm Bia Tưởng Niệm Ở Galang Suy Nghĩ Về Hòa Giải v.v… Ngoài ra, Tâm bút Trần Trung Đạo còn gồm những bài thuyết trình của tác giả về các chủ đề văn hóa, tuổi trẻ và nhân quyền tại các cộng đồng, hội nghị, đại học và các trại hè thanh niên trên nước Mỹ)
- Tiểu Luận (văn, 2009. Nguyên văn giới thiệu trên web TTĐ: Tuyển tập dày hơn 300 trang, bao gồm những tiểu luận chọn lọc như Khám nghiệm một “Hồn Ma”, Sông Gianh chảy giữa lòng Hà Nội, Tuổi trẻ Việt Nam học lịch sử để làm lịch sử, Trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam, Hẹn một ngày giành lại Hoàng Sa, thảo luận về các vấn đề nóng bỏng của đất nước và đang được người Việt trong cũng như ngoài nước quan tâm nhất. Ngoài ra, tập tiểu luận còn có những bài góp ý về các hồi ký gây nhiều chú ý của một số nhà văn trong nước, đã qua đời hay còn sống như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc v.v...)

Sức viết và thành phẩm đa dạng trong nhiều bộ môn sáng tác của Trần Trung Đạo thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng nghiêm chỉnh với cuộc chơi Theo Gót Thơ, và như đã nói trên, tôi xin đến với Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười cùng một vài bài thơ khác cùng một chủ đề Mẹ.

Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười đã được sự đồng cảm của nhạc sĩ Võ Tá Hân. Bàn tay cầm đàn này, đã thả ra những nốt nhạc cho một số tiếng hát Bảo Yến, Hà Lan Phương, Thanh Thúy, Gia Huy, Thế Sơn... đưa thơ của Trần Trung Đạo đến giới thưởng ngoạn. Bài thơ có nội dung:

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương

Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Với thể loại bảy chữ, giàu âm điệu. Hơi thơ là một dòng chảy man mác buồn, mang những tiếng thỏ thẻ tâm sự của một người con xa nhà gởi về mẹ già. Trần Trung Đạo không nhắc đến Mẹ Việt Nam, nhưng qua thơ, qua hình ảnh và những chân tình, chúng ta nhận ra điều đó. Đây là một ưu điểm giúp bài thơ thu hút được nhiều đồng cảm, chia xẻ.

Trần Trung Đạo không phải nhờ đến sự khôn khéo. Anh đã dùng chân tình trong yêu thương, trong nhớ nhung có thật của mình, để viết được những câu, dùng được những chữ, mà ai đọc vào cũng tưởng như chính mình đã viết ra, đã nói lên cùng với mẹ. Những nghĩa vụ cao cả của người mẹ, cùng những nỗi truân chuyên trong đời thường của nhiều bà mẹ đều không cần để trưng ra. Đó là cái đặc biệt, giúp bài thơ không đi vào vết mòn của nhiều bài thơ, ca ngợi chung chung về một người mẹ.

Để hoàn thành một bài viết có vần trở thành một bài thơ, hình như thường phải có:

- ý, hồn
- từ ngữ, nhạc điệu
- hình ảnh, màu sắc

Ý, hồn của Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười chính là tình cảm, sự thương nhớ. Như đã nói, Trần Trung Đạo dùng cái tình của mình, cái tâm của mình để ướp, để bón vào câu chữ, nên mỗi dòng anh viết đều dính liền hơi thở của anh, hơi thở của chính người mẹ anh đang nhớ thương, chuyện vãn.

Chữ dùng của Trần Trung Đạo không mới, nếu không muốn nói là cũ: lặng người, lặng thề, sơn khê, màu tang trắng, thiên thu... Tuy vậy sự sắp xếp đúng chỗ và thích hợp đã không hề cho thấy câu nào sáo cũ. Trái lại chúng mang được nét giản dị, bình thường và trung trực giữa tình mẹ con trong đời thường. Sự đơn giản này chính là cây cầu để mọi trình độ bạn đọc đều đến được với thơ anh một cách chân tình, lý thú.

Về hình ảnh cũng na ná như ngôn từ. Phong phú nhưng thông dụng, thường gặp.
Mọi bài thơ đều cần có đoạn mở đầu gây được ấn tượng tốt với người đọc. Tôi thật sự ngưỡng mộ Trần Trung Đạo, ở cách trưng ra hình ảnh thật đẹp để chuyển vận tâm sự của mình:

“Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
tiếng ai như tiếng lá thu rơi”

Chúng ta có thể hình dung thật rõ những diễn biến của một bi kịch câm:

Có tiếng chuông điện thoại, người con bắt máy lên và liền ngay đó lặng người đi vì bất ngờ, vì sửng sốt. Vài giây cho nghi vấn tiếp theo “tiếng ai...” chính là nỗi nghẹn ngào chợt đến trong lòng người con. Anh không lạ và nhận ra ngay hơi thở, giọng nói quen thuộc, nhưng gắng vờ đi vài giây để cho lòng mình bớt xúc động. Tiếng nói bên kia đầu dây, nhẹ nhàng quá. Nó rung lên như âm vang của một chiếc lá rụng. Chiếc lá đang ở thời kỳ vàng úa của mùa thu, của một kiếp đời sắp qua. Diễn tả, so sánh giọng nói mòn yếu của mẹ bằng cái động của một chiếc lá mùa thu rơi, quả thật là một hình ảnh đẹp. Hình ảnh này Trần Trung Đạo đã lượm được trong tích tắc xuất thần.

Tiếp liền hình ảnh gợi mở là những thỏ thẻ gói trọn những nét dễ thương, trìu mến, qua hai chữ rất bình thường “mẹ nhỉ”. Tấm lòng người con vừa kịp mở ra với chân tình và thực tế:

“chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi”

Hình ảnh trở thành là hơi thở của bài thơ. Trần Trung Đạo thật có hoa tay trong kỹ thuật này:

Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Sự so sánh tưởng như chệnh choạc nhưng không. Màu trắng tóc mẹ chính là cái bao la của tuổi đời. Một sự giàu có buồn nhiều hơn vui. Và tác giả cũng không quên vẽ ra ngay nét bi quan, gọn nhẹ trong một từ “tang”. Cái bát ngát này cũng là cái vô cùng thương nhớ kính yêu trong lòng nhà thơ. Hình ảnh trắng cả lòng còn nói lên sự thao thức lo lắng của người con trước buổi xế chiều của mẹ. Dùng một hình ảnh cụ thể để mở ra một hình ảnh trừu tượng không phải lúc nào cũng có thể linh động, cân xứng như tay nghề Trần Trung Đạo. Nếu không có chân tâm đích thực, không có hồn thơ dẫn dắt, khó có thể viết được hai câu trên.

Bốn câu tiếp vẫn là những dòng chứa đầy hình ảnh đẹp. Với một người đang về chiều, còn phải bị những nhớ nhung, đau thương vây phủ, chắc khó có chọn lựa nào hơn là ngồi ôn lại những tiếc tưởng, thương nhớ. Khuôn mặt đứa con thân yêu đã ngàn trùng xa, chính là nỗi buồn mà người mẹ ôn tới ôn lui trong trí nhớ, trong trái tim. Cử chỉ tâm tư này như những mũi đan cho nỗi buồn ngày một rộng lớn thêm. Tôi nghĩ, chủ yếu của bài thơ là tình mẹ con, nên tác giả đã chọn số-từ đơn vị “một” để đứng trước nỗi buồn. (một nỗi buồn). Thật ra trong cuộc sống nỗi buồn vốn phong phú hơn niềm vui. Nếu số-từ “một” được thay mạo-từ “những”, để vẽ ra hình ảnh người mẹ ngồi đan kết những mẩu buồn trong đời lại với nhau, vừa thương nhớ đến con cũng rất đẹp.

Trong đoạn đầu, tiếng nói của mẹ được ví như tiếng lá mùa thu rụng đã tuyệt vời. Ở đoạn bốn, tiếng mẹ lại được hình dung là một tiếng nói trong giấc chiêm bao càng sắc sảo hơn. Bởi ngoài hình ảnh đẹp còn tỏa rộng nỗi ngậm ngùi đến vô cùng. Động từ “vói” (miền Bắc dùng “với”) nằm cuối câu ba đoạn này, cũng rất thần tình. Vói là vươn đến một hình tượng trước mắt, không quá xa, nhưng khó chạm vào. Ở đây khoảng cách hai mẹ con vốn thật gần trong tình cảm nhớ thương, nhưng lại vô cùng xa cách về phương diện địa lý.

Thơ không để giải thích. Tôi đã có ít nhiều lẩm cẩm. Dù sao cũng xin phép được vớ vẩn thêm vài dòng nữa: Dùng mạng sống của mình, hy sinh hết cả ngàn năm của thiên hạ, để được thấy lại nét cười của mẹ mình, là một ý niệm đáng yêu. Bài thơ ngợi ca tình mẫu tử của Trần Trung Đạo là một bài thơ hay. Nó mang đến sự vừa lòng cho người viết lẫn người đọc. Với tác giả, anh đã đệ trình lên đấng sinh thành lòng thương yêu kính trọng vô biên trong sự chân thật. Với bạn đọc, tìm gặp được những xúc động, những suy nghĩ về tình cảm bản thân với phụ mẫu. Được chia xẻ những cảm nhận về mẹ thật không gì ấm lòng, bình tâm hơn.

[trích]

Hà Khánh Quân

Xem thêm: Nẻo vào Tuệ Không



Bạn Đã Xem Chưa

0 nhận xét

Đăng Nhận Xét

Copyright © NhocLak.Com .