Tìm Về Cội Nguồn Myanmar 1



Tìm Về Cội Nguồn Myanmar

Ký sự chuyến du hóa của Hòa thượng Thái Hòa và Ban Thị Giả

Thư Viện Cổ Pháp

Sau những tháng bộ hành ở thánh địa Trúc Lâm Yên Tử và Hương Tích Bích Động - Chùa Hương, Quảng Ninh – Hà Nội. Một địa danh mang chiều sâu của nhiều câu chuyện tưởng chừng huyền thoại nhưng thực tế là điều có thật được lịch sử ghi chép hết sức nghiêm túc. Nói lên đời sống vương trượng của những con người xuất trần thượng sỹ, mong muốn có được thời gian ý vị, leo núi thảnh thơi, nghỉ ngơi tĩnh lặng và nhìn đời bằng con mắt liễu ngộ.

Phần 1: Yangon - Kyaikhtiyo - Golden Rock

Chúng tôi rất hạnh phúc được Hòa Thượng Thái Hòa (thầy Giáo Thọ) cho phép tháp tùng cùng đi. Chuyến đi Myanmar kéo dài từ ngày 13 đến ngày 20/12/2011. Từ khi Thầy giáo thọ có ý định du hóa tới miền Đất Vàng là lúc Ban thị giả cùng lên kế hoạch, lịch trình, dự kiến và tìm hiểu cho mọi phương tiện di chuyển. Mỗi người mỗi việc. Thời gian đó Ban thị giả đã tổ chức họp mỗi ngày để bàn bạc và chăm lo cho chuyến đi để Thầy giáo thọ yên tâm. Việc tìm hãng bay, thời điểm thích hợp, người phụ tá và lương thực lên đường v.v…Ai cũng có tâm huyết để chung tay và hết lòng với bổn phận của mình. Bản khảo sát là phi lộ được Ban thị giả thiết kế rất chu đáo như : “ Thấy Phật ở Myanmar, Hành trình Đất Vàng, Thư thỉnh, đi để hiểu về để thương, cảm nhận…” Trước ngày chuẩn bị, Thầy giáo thọ từ Huế phải có chuyến giảng dạy tại Hà Nội, sau đó Thầy giáo thọ vào thẳng Sài Gòn trước hai ngày để hướng dẫn và thăm học trò.

Hôm sau, từ nhà cư sĩ Tâm Lý, B.s Minh, Thầy giáo thọ cùng Ban thị giả lên đường cùng nhau ra phi trường Tân Sơn Nhất Quốc Tế để làm thủ tục hải quan. Tất cả Phái đoàn gồm có (Hòa thượng Thích Thái Hòa Chùa Phước Duyên, Thượng tọa Thích Tín Hải Chùa Phổ Quang, Thượng tọa Thích Vân Pháp Chùa Từ Vân, Đại đức Thích Pháp Mãn Chùa Thuyền Lâm, Đại đức Thích Pháp Bảo Thiền Viện Vạn Hạnh, Phật tử Nhuận Đức Ân, Nguyên Niệm, Nhuận Thánh Đức). Với sự hỗ trợ của quý Tăng Ni sinh du học tại trường Phật học ở Yangon, Thầy Hữu Tấn, sư cô Minh Tú, sư cô Minh Toàn là một trong những vị Tăng lữ đã có nhiều thời gian cùng tu tập chung với nhau tại một tu viện – Bảo Lộc rất thanh bình và hòa hợp. Có mặt ở cửa khởi hành hành vào lúc 11h 40’, hành trình bay của Vietnam Airline đến thủ đô Yangon là một giờ ba mươi phút (13h 25’ giờ địa phương). Thầy giáo thọ với khuôn mặt, nụ cười rất tĩnh tại cũng làm xoa dịu đại chúng sau những giờ bay xa, đi máy bay nhỏ nên ngồi trong cabin hơi ngột ngạt, khó chịu nhưng ai cũng chuẩn bị trước cho mình một tư tưởng tế nhị, tâm lý thoải mái với một đất nước đang chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa cấm vận. Máy bay sắp hạ cánh, thì ôi! Đất nước Vàng hiện ra như bàn tay nâng đỡ của ánh nắng từ bi chan chứa, bấy lâu làm tình người viễn xứ xa cách nghìn trùng.

“Đặt chân lên xứ sở chùa Vàng đã thôi thúc cho tôi không ngừng tìm hiểu tất cả thông tin liên quan cho chuyến đi.

Thấy Phật ở Myanmar - Đó có thể là vị Phật tiền kiếp từ các thánh tích cổ xưa trên đất Miến Điện mà cũng có thể là vị Phật hiện tại từ niềm tin bất diệt của người dân nơi này. Và biết đâu đó cũng có thể là vị Phật tương lai sẽ xuất hiện ngay giữa hiện kiếp thường ngày mà chúng ta có thể bắt gặp ở mọi ngóc ngách của cuộc sống...

Hành trình của chúng tôi kéo dài 8 ngày 7 đêm xuyên suốt từ Yangon chùa Vàng đến Golden Rock linh thiêng huyền bí, Bagan cổ kính trầm mặc và cuối cùng là hồ Inle thật yên bình và thanh thoát”.

Thầy trò chúng tôi lên xe để đến thăm trường đại học Phật giáo quốc tế, sau đó giải lao, ăn nhẹ, uống trà tại phòng riêng của Thầy Hữu Tấn. Thầy giáo thọ đã có vài câu chuyện, thăm hỏi về các công trình nghiên cứu Phật giáo Nam Tông của những năm qua ở Myanmar và chương trình đào tạo Tăng Ni sinh? Có vẻ Thầy giáo thọ cũng đang mang trong mình một trái tim đại thừa, tìm lại những dấu tích một thời tổ tiên tâm linh lưu lại từng trang thi kệ và bóng hoàng y đã in đậm vào vách mái chùa màu rêu phong được phủ ra bên ngoài một lớp sơn vàng nghệ hay đỏ ối huyền bí. Rời Phật học viện chúng tôi với Thầy giáo thọ đi thiền hành quanh vườn rồi ghé vào đại thư viện lễ Phật sau đó Thầy trò cùng sang Chùa Shwedagon được tương truyền nơi tôn thờ Xá lợi tóc của Đức Phật. Chùa nguy nga, tráng lệ - nổi tiếng với ngọn tháp vàng cao 99m được dát vàng lá, đính 5400 viên kim cương, 2300 viên đá quý và hồng ngọc xung quanh, nơi đây đã trở thành một nơi đảnh lễ linh thiêng bậc nhất của người dân Myanmar.

Không ai biết chính xác ngôi chùa Shwedagon Paya ở Myanmar được xây dựng khi nào - theo truyền thuyết kể rằng ngôi chùa đã có 2.500 năm tuổi mặc dù các nhà khảo cổ ước tính rằng ngôi chùa được xây dựng giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 10.

Nói đến chùa Shwedagon, vàng có nghĩa là được dát vàng! Trong thế kỷ 15, một nữ hoàng của dân tộc Môn đã ban tặng khối lượng vàng bằng với trọng lượng sức nặng của mình cho ngôi đền. Truyền thống này vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay, nơi người hành hương thường tiết kiệm tiền trong nhiều năm để mua những gói lá vàng nhỏ để dát vào các bức tường ngôi đền. Các chóp của ngôi tháp và mái vòm được bao phủ với hơn 5.000 viên kim cương và 2.000 viên hồng ngọc (có cả một viên kim cương 76 carat ở trên đỉnh!). Và ngôi chùa này là một trong những di tích thiêng liêng nhất trong Phật giáo: thờ tám xá lợi của Đức Phật.

"Mặc dù dân của họ rất nghèo, nhiều người tự nghĩ tại sao chùa có chạm ngọc kim cương như thế mà không bị mất cắp? Dĩ nhiên ở đâu lại chẳng có người tham lam, ích kỷ. Tuy nhiên không phải họ sợ luật pháp, mà họ sợ nhân quả. Nếu ở một nước kém đạo đức và lòng tin đối với Đức Phật không cao, thì chắc chắn những mái ngói bằng vàng ấy và những viên kim cương kia chưa chắc còn tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay. Có lẽ người ta tin rằng, luật pháp của thế gian họ có thể qua mặt được, nhưng nhân quả theo đạo Phật thì không bỏ sót một ai và vì họ hiểu rõ nhân quả nên họ đã chế ngự lòng tham"

Đúng vậy. Chúng tôi đã thấy tận mắt một thế giới lung linh sắc màu huyền ảo lấp lánh giống như trong kinh A- Di- Đà diễn tả về thế giới Cực Lạc vậy. Tôi đã thấy ai cũng đến đây cùng với tâm hết sức thành kính. Những thùng tiền cúng dường để đầy khắp mà vẫn không bị mất cắp. Kết quả tốt dành cho một đất nước theo đạo Phật và họ đã ứng dụng đời sống tâm linh của đạo Phật vào trong chính cuộc sống hàng ngày của mỉnh.

Thầy trò chúng tôi đã hòa mình vào dòng người đi hành hương đông nghẹt, cùng ngồi thiền và cầu nguyện trên khoảng sân đá mát lạnh. Tôi thấy lòng mình thanh thản hơn, dịu nhẹ hơn. Thật tự hào cho người dân Myanmar vì đã xây dựng và gìn giữ một kiệt tác kiến trúc kỳ vĩ, thanh tao như thế này.

Rời khỏi chùa Shwedagon, thầy trò chúng tôi bắt gặp ánh trăng hiện ra sau khung cửa giữa các ngọn tháp vàng của chùa. Một khoảnh khắc thật lung linh và huyền ảo mãi dõi theo bước Thầy trên suốt đoạn đường về...

Bùi Kim Anh còn phải cất lên rằng: “Đến Shwedagon vào lúc hoàng hôn mới cảm nhận được phần nào vẻ đẹp tráng lệ và linh thiêng. Ánh mặt trời khi hoàng hôn làm sáng lên thêm sắc vàng của tòa tháp vàng khổng lồ. Hình ảnh thực bỗng ngời lên kỳ vĩ như trong thần thoại, truyền thuyết. Ta bỗng như lạc vào một thế giới khác, bỗng như mất cảm giác là ta bé nhỏ và hiện hữu. Diệu kỳ. Chói sáng. Và huyền ảo. Theo những người hành hương Myanmar dâng hoa lễ Phật, múc nước tắm cho các tượng Phật, rồi khoác lên tượng Phật những vòng hoa nhài tinh khiết, dịu nhẹ hương thơm với lòng tôn kính và mãn nguyện. Tìm cho mình một chỗ ngồi trên nền sân rộng, giữa bao tấm lòng mộ Phật mà cầu nguyện tốt lành. Tất cả đều khác – cảnh chùa, cảnh Phật – khác với Việt Nam. Ở đây, ta có thể tận mắt chứng kiến các nghi thức của trung tâm Phật giáo Myanmar khi cầu nguyện và dâng lễ vật. Shewadagon là niềm kiêu hãnh của Myanmar, là thành tựu vĩ đại của con người trong lao động và sáng tạo.”

Từng bước của Thầy dường như chậm lại để chiêm ngưỡng, cảm niệm về một tiếng kinh thầm lặng vô ngôn.

Đoàn được hướng dẫn viên đưa về khách sạn Asia Plaza để dùng cơm và nghỉ ngơi. Một giấc ngủ thật sự trở nên yên tĩnh và khỏe khoắn sau một ngày di chuyển hành hương thăm viếng.

Buổi sáng ở Myanmar thật thanh bình và nhẹ nhàng như vầng mây trôi lững lờ, từ lầu của tòa nhà nghỉ chúng tôi có thể quan sát khắp thành phố Yangon, rộng mênh mông, xa xa có những dòng sông uốn lượn theo ánh nắng ban mai. Điểm tâm sáng xong, Thầy trò chúng tôi lại lên xe hướng về hang động Mahapasana Guha, nơi đánh dấu lần đại hội kết tập kinh điển, luật tạng lần thứ sáu. Thầy giáo thọ cùng với tất cả đại chúng trang nghiêm từng bước đi vào đảnh lễ tại lễ đài tọa thân của các bậc cao tăng thánh nhân lúc bấy giờ. Đúng thật, mình chỉ cần đến đây nương tựa vào bóng dáng uy nghi của một không gian trầm hùng thì chúng ta cũng đã như có phước báu từ vô lượng kiếp. Tiếng chuông hòa bình được Thầy giáo thọ thỉnh lên là bao âm thanh chim chóc, nắng mai kéo về để thức tỉnh tâm tư con người trong kiếp phù sinh tan hợp. Chùa Kaba Aye, ngôi chùa của hòa bình thế giới cũng nằm cạnh bên mà chiều tối qua chúng tôi đã tham quan và hành lễ.

Giờ khởi hành tiếp theo là vào ngày 14/12/2011, từ Yangon đến Kyaikhtiyo. Golden Rock và sức mạnh của lòng tin: “Bàn tay sáng tạo của con người kết hợp với tuyệt tác thiên nhiên đã tạo nên hình tượng kỳ diệu. Kyaikhtiyo – Núi đá vàng, Chùa vàng – Golden Rock, nơi con người trang trí một phần núi đá thành ngọn tháp có mạ vàng xung quanh, điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai đến thăm Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo có chiều cao 5,5 mét. Lời truyền lại rằng nơi đây còn lưu giữ tóc của Đức Phật được đặt trên một tảng đá lớn. Chính sợi tóc này đã giữ cân bằng cho tảng đá nằm bên trên vách núi. Tảng đá có hình thù giống như đầu của một người đàn ông, được cho là đầu của một ẩn sĩ có nhiệm vụ mang tóc của Đức Phật để trong con cá bơn của ông trước khi qua đời. Ông đã để lại lời chỉ dẫn để tìm thấy tóc của Đức Phật trên tảng đá ở trên đỉnh của ngôi chùa, nay được gọi là Đá Vàng. Tảng đá như được cân bằng bên vách núi cheo leo không hề bị rơi xuống. Chính điều này khiến cho người ta tin rằng: "khi đi hành hương về đây, sẽ mang lại cho họ sức khoẻ tốt và sự giàu có…”. Ngôi chùa Kyaikhtiyo là viên ngọc của thủ phủ Mon - Myanmar và được xem như là một phép lạ đối với các tín đồ Phật giáo.”


Sau một chặng đường dài băng qua những con đường khô cằn đầy cát bụi, xe chúng tôi tới trạm dừng chân nằm ở dưới chân núi để lên thùng xe tải. Gọi là thùng xe tải vì nó không có mui, trên thùng xe có khoảng chừng 8-10 thanh gỗ dài bắt ngang để làm ghế. Đoàn chúng tôi thật may mắn vì là những người cuối cùng đủ đầy cho chuyến xe để có thể khởi hành (thông thường phải đợi đủ 43-45 người mới khởi hành). Lúc này thì cả đoàn đều rất phấn khích vì thực sự là không thể nào tưởng tượng ra bác tài xế có thể vận chuyển được chừng ấy người trên một con đường leo núi dốc ngược và quanh co như thế. Có một điều khiến tôi thán phục người Miến là họ đã chất đầy các bao cát trên đầu xe với mục đích thăng bằng và cản trở tầm nhìn của du khách để tránh tâm lý cảm giác sợ hãi. Tất cả những gì du khách có thể thấy được chỉ là hai bên đường mà thôi.

Ấn tượng đầu tiên khi rời xe tải để leo bộ lên đỉnh núi là hình ảnh của người bản địa tìm việc làm và kiếm tiền bằng cách khuân vác hành lý hoặc kiệu người lên đỉnh núi. Họ dễ thương lắm vì sự cần mẫn và lầm lũi làm việc nhưng lại với một phong thái rất thong dong và thảnh thơi. Có một anh nhận khuân vác hành lý cho đoàn chúng tôi. Một cái gùi chất cao mang trên vai của anh. Thầy giáo thọ nói với chúng tôi rằng anh ấy mang hành lý trên vai nhiều như thế nhưng khuôn mặt và phong thái của anh ấy nhiều khi có thể thảnh thơi hơn du khách nhiều. Thầy giáo thọ leo núi thật tuyệt vời. Thầy lúc nào cũng là người dẫn đầu mặc dù là người cao tuổi nhất trong đoàn. Cả đoàn hát vang bài hát "Lên non" của Thầy để động viên khích lệ lẫn nhau lên núi.

Hoàng hôn xuống cũng chính là lúc chúng tôi đến và nhìn thấy "Golden Rock". Nhìn trên bầu trời ráng hồng, không khí se se lạnh và văng vẳng tiếng kinh cầu từ chùa Đá Vàng tạo cho chúng tôi một cảm giác khó tả. Nhìn xa xa trong ánh hoàng hôn, "tảng đá thiêng" lung linh và huyền ảo một màu vàng. Thật may mắn khi khách sạn của chúng tôi nằm ngay sát Golden Rock nên có một cái view rất tuyệt vời. Không khí khá nhộn nhịp bên ngoài do những đoàn du khách đi hành hương, cầu nguyện. Chúng tôi cùng Thầy háo hức vào chùa để chiêm bái. "Chiều xuống vạch một đường chân trời hồng rực phía xa xa, mặt trời từ từ tụt xuống, khuất mình giữa bảng lảng núi non và sương chiều. Đêm ập đến, phủ tấm áo đen lên vạn vật, nhưng không sao che được tảng đá thiêng đang rực lên trong ánh đèn vàng, xung quanh tiếng cầu nguyện rì rầm, mùi khói hương ngạt ngào hòa quyện."

Bùi Kim Anh còn chia sẽ thêm “Đỉnh núi với một khách sạn nhỏ mà thơ mộng khoáng đạt. Dưới kia là núi non, rừng rậm. Xa kia là chùa, là núi Đá vàng. Đường từ khách sạn sang chùa không xa. Tất cả du khách đều gửi giày dép nơi chân bực thang trước khi đi trên đường lát đá vào khu chùa. Ở Myanmar là vậy, vào nơi chùa nào cũng để giày dép bên ngoài. Bỏ lại những gì bụi bặm, phàm tục, đi chân đất để cảm nhận tất cả sự mát lạnh của đá, của thiên nhiên. Có thể cầu xin những gì? Ở Myanmar không gặp những mâm cao chất đầy gà, xôi, hoa quả…và nhất là các loại tiền giấy dương gian, âm phủ như ở Việt Nam. Và như vậy cũng chẳng có nơi đốt tiền, chia đồ lễ. Mọi người tới, quỳ lạy, chắp tay thành kính, tâm hướng về cõi Phật mà thầm cầu nguyện. Những người đàn ông được qua cửa rào vào sát Đá vàng, được chạm vào nơi linh thiêng. Những người đàn bà từ ngoài vái vọng. Đỉnh cao gió bốn bề, núi Đá vàng rực chói dưới ánh đèn, nhìn xuống là rừng, là núi tiếp nối, là sân viên, sân chùa rộng, lối vào chùa người ra vào đông đúc. Không ồn ào, không chen chúc. Người ta gọi nhau, người ta nói chuyện nhưng tất cả vẫn dễ chịu bởi sự ngưỡng mộ và lòng thành kính. Hàng năm, cứ đến đêm 31 tháng 12, chùa Kyaiịhtiyo lại phát sáng từ 9.000 bóng đèn và mùi thơm từ 9.000 bông hoa hồng từ khách hành hương đến đây”.

Một sự mầu nhiệm thiêng liêng được toát ra từ vách núi và hơi ấm của Thầy, đã làm cho khung cảnh trở nên huyền ảo, với tâm nguyện chiêm bái Thánh tích. Sau bữa ăn nhẹ, thì Thầy trò cùng leo núi, để đến điểm tâm linh sáng chói. Vừa đi Thầy dặn các con cần đi cho vững chãi, ý thức mình đang có may mắn là chúng ta sẽ đi cho cha mẹ, đi cho tổ tiên, thân bằng quyến thuộc. Những lời cầu nguyện của Thầy vào chiều hôm đó thật tha thiết, bình an vô cùng. Đoàn đã tổ chức một khóa lễ nhỏ, ngồi thiền, tụng kinh, phát nguyện ngay bên pháp tượng Đá Vàng.

Tiếng kinh niệm được phát ra của hàng ngàn người hành hương đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thầy đã hướng dẫn đoàn đi kinh hành quanh pháp địa và chứng minh tâm thành của hàng đệ tử, Thầy giáo thọ còn ban pháp tự cho phật tử Phạm Châu Thương pháp danh Nguyên Niệm tự Toàn Như. Không gian thật mênh mông vô cùng vô tận qua đỉnh núi ta có thể nhìn thấu biển Ấn Độ Dương.

Lúc 10 giờ đêm, Ban thị giả mời Thầy giáo thọ về khách sạn Kyaikhtiyo nghỉ ngơi còn một số ở lại tiếp tục ngắm sao trời và khám phá nền tâm linh cổ qua người dân bản xứ hành trì pháp môn tu học. Khoảng nữa tiếng sau chúng tôi mang trà ra uống và nhắc nhở lại mình với những cảm thọ ( Thân, Thọ, Tâm, Pháp) qua sự hiện diện thân tướng bản lai diện mục tại một nơi rất thiêng như Golden Rock.

Buổi sáng sớm Thầy trò trở lại núi Đá Vàng. Khi Thầy vừa lên thì lúc bình minh cũng chớm ló dạng. Thầy ngồi yên và nhìn về phía mặt trời. Bình minh ở Golden Rock đẹp lắm. Lòng nhẹ nhàng, chúng tôi buông bỏ tất cả phiền muộn của thế gian để chú tâm ngắm mặt trời đi lên từ đỉnh núi và Thầy đọc thơ cho chúng tôi nghe. Bài pháp thoại của Thầy sáng hôm đó thật hay và sâu lắng bằng những phương pháp hành đại thừa. Cả đại chúng cùng ngồi xung quanh Thầy với một không gian bình yên và Thầy giáo thọ còn dạy là có lúc "quên mình mà cầu nguyện". Sau đó Thầy đọc một bài thơ: Hương Xưa Mãi Còn

Bình minh từ núi đi ra

nuôi sinh linh giữa hằng sa mạch nguồn;

nâng vầng nhật, giữa càn khôn

cho bình yên giữa sóng cồn bể dâu.

Thế gian thấm mát ơn sâu

mười phương bắc một nhịp cầu Từ bi;

Não phiền chuyển hóa lưu ly

hóa vô biên cõi nghĩ nghì được nao!

Mỗi trời có mỗi trăng sao

Có vô biên nẻo để vào như nhiên;

Cheo leo thiên thạch diệu huyền

Cúng dường tóc Phật thừa truyền ngàn xưa.

Cảm ơn đời nắng và mưa

Đất vàng Miến Điện hương xưa mãi còn!

Thầy giáo thọ mời tất cả nhân viên của khách sạn Kyaikhtiyo tập hợp lại chụp hình kỷ niệm và nhận quà của Thầy. Thầy giáo thọ còn gieo duyên và thăm hỏi lớp Tăng trẻ, Thầy nhắc đến cả anh khuân vác, Thầy trân quý từng nơi đi qua, Thầy đối xử bình đẳng với tất cả mọi người xung quanh. Thầy chẳng bao giờ quên sự có mặt của ai cả...Tâm từ bi của Thầy trải rộng ra, ai cảm thì nhận. Suốt từ sáng giờ Thầy trò cùng cầu nguyện, trì tụng và ngồi thiền tại sân ngoài thánh địa Golden Rock mà chẳng ai muốn bỏ lở cơ hội một kiếp người đến đây. Sau đó các Thầy trò cùng nhau xuống núi thật thanh thản, bao tâm tư một thoáng đầy vơi sự cô tịch của ngàn năm về lại nơi từng bước chân, ánh mắt, nụ cười, hơi thở có mặt cho nhau.

Phần 2: Vào rừng thiền - Yangon – Bagan

Thích Pháp Bảo

(Chú thích: có sử dụng tư liệu, nhật ký khác)






Mẹ ơi! 'Lần đầu tiên con hiểu thân phận trẻ mồ côi' Chừng một năm qua, nhớ Mẹ, không biết quãng đường còn lại mình sẽ ...ra sao nếu - Ví đổi thời gian được, xin đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười. Một năm ấy chúng con đã chấp bút thành những áng văn thơ như hạt bụi mỏng manh cuối trời như đóa hoa yêu thương giữa nguồn sống 60 năm của Mẹ! Nhân dịp lễ Tiểu tường của Mẹ, 14/4 Nhâm Thìn chúng con xin thành kính dâng lên ấn phẩm văn hóa, đạo đức, hiếu hạnh này đến Qúy Thầy, huynh đệ, thân hữu gần xa. Góp lời cầu nguyện âm siêu dương thái, thế giới hòa bình, hiếu nghĩa mỗi ngày được thắp sáng thêm. Chén trà dâng Mẹ, đã được trang nhà Đạo Phật Ngày Nay của T.T Nhật Từ đăng tải, phổ biến xuất bản.
...

Bạn Đã Xem Chưa

0 nhận xét

Đăng Nhận Xét

Copyright © NhocLak.Com .